Cơn bão số 3 (tên gọi quốc tế là Yagi) đổ bộ và đi qua lãnh thổ Việt Nam đầu tháng 09/2024 vừa qua đã gây thiệt hại lớn về tài sản cũng như con người tại các tỉnh phía Bắc. Theo các trang thông tin chính thức tối ngày 08/09/2024, UBND TP Hà Nội đã có có báo cáo nhanh về công tác ứng phó với siêu bão này trên địa bàn, theo đó chỉ tính riêng tại Hà Nội, bão đã khiến 4 người tử vong, 17 người bị thương và 24.800 cây bị đổ.
Số lượng cây xanh gẫy đổ trên toàn thành phố là rất lớn, cây đổ bật gốc, hoặc gẫy cành làm hư hỏng các phương tiện dừng đỗ gây thiệt hại về tài sản là hậu quả phổ biến khi cơ bảo đi qua. Công ty Luật TNHH Vũ Lê cũng đã nhận được yêu cầu tư vấn pháp luật liên quan đến bồi thường cho phương tiện ô tô bị cây đổ do bão Yagi, cây xanh cổ thụ bật gốc và đè bẹp vào xe ô tô đang đỗ của khách hàng gây hư hỏng phương tiện với mức độ trên 80%. Cây xanh thuộc quyền quản lý của đơn vị quản lý cây xanh nhà nước, phương tiện là xe ô tô chính chủ của cá nhân.

Đối với sự việc này, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên thì cần xem xét, nghiên cứu các quy định về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, về sự kiện bất khả kháng theo Bộ luật dân sự 2015, các quy định về quản lý cây xanh như Nghị định Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị của Chính phủ ban hành ngày 11/06/2010…
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể tại Điều 604. Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra, Bộ luật Dân sự 2015 thì “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”. Như vậy, pháp luật dân sự Việt Nam có đặt ra trách nhiệm bồi thường về thiệt hại do cây cối gây ra, nhưng đối với mỗi vụ việc thực tế đều có những tình tiết dẫn đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan đến vụ việc sẽ khác nhau trên cơ sở áp dụng nhiều quy định pháp luật có liên quan.
Có thể xảy ra một số trường hợp sau đây
Trường hợp 1:
Giả định rằng, thứ nhất, các đơn vị quản lý cây xanh đã làm mọi biện pháp trong chức trách của mình như cắt tỉa cành cây, buộc cây nhằm hạn chế tai nạn xảy ra nhưng do bão lớn cây xanh vẫn đổ, bật gốc đề vào chiếc xe đang đỗ. Thứ hai, chiếc xe đang đỗ ở nơi được phép đỗ xe.
Trong trường hợp này, việc cây đổ bật gốc đè lên phương tiện làm hư hỏng trên 80% là sự kiện bất khả kháng theo Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015. “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”. Thiệt hại nếu được xác định là do sự kiện bất khả thì chủ xe sẽ không được bồi thường
Trường hợp 2
Ngược lại với trường hợp thứ 1, giả định rằng qua quá trình làm việc, yêu cầu cung cấp tài liệu, trưng cầu giám định xác định được rằng cây cổ thụ bị đổ do nguyên nhân trực tiếp là đơn vị quản lý cây xanh chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình.
Về trách nhiệm của đơn vị quản lý cây xanh, theo quy định pháp luật thì “Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây”. Đây là quy định tại Điều 11 Nghị định số 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị quy định. Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý cây xanh là phải thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ những phần thân cây mang tính chất rủi ro tiềm tàng.
Cộng với việc giả định thứ 2 trong trường hợp này là xe ô tô đang đỗ ở phần đường được phép đỗ xe cũng thoả mãn thì trong trường hợp này đơn vị quản lý cây xanh phải có trách nhiệm bồi thường do không thực hiện đúng và đủ trách nhiệm của mình dẫn đến việc cây đổ gây ra thiệt hại.
Trên đây là 02 trường hợp người chủ xe bị thiệt nhưng không có lỗi vì đã chủ động đỗ xe ở nơi được phép, nếu chủ xe có lỗi liên quan đến việc đỗ xe ở nơi cấm đỗ xe mà sau đó xe bị cây đổ đè lên thì nghĩa vụ bồi thường sẽ có sự thay đổi nhất định. Bên cạnh đó, vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường cũng có thể thay đổi nếu có thêm các tình tiết khác như chủ xe có mua bảo hiểm vật chất tự nguyện cho phương tiện của mình.
Hai trường hợp nêu trên là các trường hợp tương đối điển hành được Luật Vũ Lê giả định trên cơ sở thực tiễn làm việc và quy định của pháp luật, nhưng đó không phải là toàn bộ các khả năng có thể xảy ra trên thực tế. Theo chúng tôi, đối với những việc như thế này, người bị thiệt hại nên có sự chủ động trong việc tìm hiểu các quy định của pháp luật cũng như đề nghị các tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp tư vấn, hoặc làm đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình một cách tối ưu nhất.