- Pháp luật Việt Nam quy định những loại hình doanh nghiệp nào?
Theo Luật Doanh nghiệp 2020, Việt Nam có 5 loại hình doanh nghiệp phổ biến với những đặc điểm riêng. Những chủ doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện thực tế của mình để chọn được loại hình doanh nghiệp phù hợp nhất.
Công ty cổ phần (CTCP): CTCP có tư cách pháp nhân với vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông tham gia góp vốn và CTCP có thể là cá nhân, tổ chức; số lượng cổ đông tối thiểu là 3 và không giới hạn số lượng; và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. CTCP có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.
Công ty TNHH 2 Thành viên trở lên: Công ty TNHH 2 Thành viên trở lên có tư cách pháp nhân, có từ 2 đến tối đa 50 thành viên góp vốn. Thành viên có thể là cá nhân/tổ chức (làm thuê hoặc đại diện hợp pháp), chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Công ty TNHH 1 thành viên: Đây là loại hành công ty có tổ chức đơn giản, chỉ có duy nhất một chủ sở hữu. Chủ sở hữu công ty có quyền quyết định toàn bộ trong quản lý và điều hành công ty; chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn cam kết góp vào công ty
Công ty hợp danh: Công ty hợp danh có ít nhất 2 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng kinh doanh dưới một tên chung (gọi là thành viên hợp danh). Bên cạnh thành viên hợp danh, còn có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh: là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn: là tổ chức hoặc cá nhân, chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
- Đặt tên Doanh nghiệp cần phải lưu ý điều gì?
Tên doanh nghiệp sẽ bao gồm hai thành tố: “Loại hình doanh nghiệp” và “tên riêng” được sắp xếp theo trình tự sau: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng. Trong đó “tên riêng” doanh nghiệp đặt theo ý muốn của chủ doanh nghiệp nhưng không được phạm phải các điều cấm theo quy định của pháp luật:
- Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký.
- Dử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Doanh nghiệp có được hoạt động kinh doanh trong bất cứ nghành nghề nào mà mình mong muốn?
Doanh nghiệp phải thoả mãn các điều kiện theo quy định của pháp luật khi muốn hoạt động kinh doanh trong ngành nghề có điều kiện.
Ngành nghề kinh doanh bao gồm: ngành nghề có điều kiện và ngành nghề không điều kiện. Trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký mã ngành kinh doanh có điều kiện sẽ phải thỏa các điều kiện của ngành nghề. Doanh nghiệp chỉ nên đăng ký các ngành nghề tương ứng với mục đích kinh doanh để tránh phát sinh các thủ tục pháp lý không cần thiết.
Đối với các một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: buôn bán, sản xuất thực phẩm chức năng, phòng khám bệnh… không yêu cầu các giấy tờ pháp lý về ngành nghề khi nộp hồ sơ thành lập. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bạn phải bắt đầu xin “giấy phép con” (giấy phép kinh doanh ngành nghề) thì mới có thể hoạt động kinh doanh ngành nghề đó.
- Nên đăng ký vốn điều lệ của doanh nghiệp như thế nào khi thực hiện đăng ký thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu
Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.
Hiện tại pháp luật không có quy định về số vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập doanh nghiệp, ngoại trừ trường hợp doanh nghiệp đăng ký ngành nghề có điều kiện thì phải đảm bảo vốn điều lệ, vốn pháp định hay vốn ký quỹ của ngành nghề đó.
Chủ doanh nghiệp cần lưu ý rằng vốn điều lệ chính là sự cam kết trách nhiệm bằng tài sản của doanh nghiệp với khách hàng, đối tác. Vì thế, việc doanh nghiệp đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp không chỉ ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng, đối tác mà còn ảnh hưởng đến việc vay vốn từ ngân hàng. Tuy nhiên, với số vốn điều lệ quá cao sẽ kéo theo phạm vi cam kết trách nhiệm bằng tài sản cao hơn.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ai, họ phải thoả mãn tiêu chuẩn gì?
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Tùy theo từng loại hình doanh nghiệp mà người đại diện theo pháp luật có thể đảm nhiệm các chức danh khác nhau. Số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp được quy định rõ trong điều lệ công ty.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện: Là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Không thuộc đối tượng bị cấm quản lý và thành lập doanh nghiệp; Người đại diện không nhất thiết phải là người góp vốn trong công ty.
Quý khách tham khảo thêm các bài viết khác về lĩnh vực Doanh nghiệp tại Mục Hỏi đáp trên website của chúng tôi. Trong trường hợp Quý khách có những thắc mắc và yêu cầu khác, vui lòng liên hệ Luật Vũ Lê:
- Địa chỉ: Tầng 2 số 11 Lô 6 Khu đô thị Đền Lừ II, phường Tương Mai, Hà Nội
- Điện thoại: 034 430 8228
- Zalo: Công ty Luật TNHH Vũ Lê
- Facebook: Luật Vũ Lê