Để tiết kiệm chi phí và thuận tiện trong quản lý, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ kinh doanh cá thể, thường muốn đặt trụ sở tại căn hộ chung cư. Tuy nhiên, điều này có phù hợp với quy định pháp luật hiện hành không?
I. Các loại nhà chung cư theo quy định pháp luật
Căn cứ khoản 3 Điều 2 Luật nhà ở 2023, nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp.
Căn cứ vào mục đích sử dụng, nhà chung cư được chia thành 02 loại:
- Nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở: Tất cả các căn hộ trong tòa nhà được xác định có công năng làm nhà ở và không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, đặt trụ sở công ty hoặc văn phòng làm việc.
- Nhà chung cư được xây dựng với mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh: Là loại chung cư có tích hợp khu vực thương mại, dịch vụ, văn được thiết kế và phê duyệt riêng biệt về công năng, có thể được sử dụng làm văn phòng, trụ sở doanh nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ hợp pháp.
II. Căn hộ chung cư có được đăng ký làm trụ sở công ty không?
Pháp luật hiện hành không cấm doanh nghiệp đặt trụ sở trong tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hợp pháp, doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng đúng phần diện tích có công năng phù hợp với mục đích kinh doanh.
Theo đó, chỉ các căn hộ hoặc phần diện tích trong tòa nhà chung cư có chức năng thương mại, dịch vụ hoặc văn phòng – thuộc các khu vực đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt – mới được phép sử dụng làm trụ sở doanh nghiệp. Ngược lại, việc sử dụng căn hộ chung cư có chức năng để ở làm địa điểm kinh doanh là không phù hợp với quy định pháp luật.
Khi có nhu cầu đặt trụ sở tại chung cư, tổ chức, cá nhân cần kiểm tra và đối chiếu công năng sử dụng của căn hộ với các tài liệu pháp lý sau:
- Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (nếu đã cấp);
- Giấy phép xây dựng;
- Bản vẽ mặt bằng quy hoạch được phê duyệt;
- Văn bản xác nhận công năng từ chủ đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền.
*** Hệ quả pháp lý khi sử dụng sai công năng căn hộ tại nhà chung cư
Việc sử dụng căn hộ chung cư không đúng mục đích được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Theo điểm c khoản 8 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2023, một trong những hành vi bị nghiêm cấm: “Tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư; sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở; thay đổi, làm hư hại kết cấu chịu lực; chia, tách căn hộ không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;”
Đồng thời, theo điểm e khoản 1 Điều 70 Nghị định 16/2022/NĐ-CP, , hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở sẽ bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với cá nhân.
- Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích để ở theo đúng quy định.
Như vậy, pháp luật không cấm doanh nghiệp đặt trụ sở trong tòa nhà chung cư, nhưng yêu cầu địa điểm đó phải có chức năng sử dụng phù hợp với mục đích kinh doanh. Doanh nghiệp không được sử dụng căn hộ để ở làm trụ sở công ty. Việc đăng ký trụ sở tại khu vực có chức năng thương mại, dịch vụ hoặc văn phòng trong chung cư hỗn hợp là hợp pháp nếu đáp ứng đủ các điều kiện về hồ sơ, công năng và quy hoạch xây dựng.
Quý khách tham khảo thêm các bài viết liên quan tại Mục Q&A trên website của chúng tôi. Trong trường hợp Quý khách có những thắc mắc và yêu cầu khác, vui lòng liên hệ Luật Vũ Lê:
- Địa chỉ: Tầng 2 số 11 Lô 6 Khu đô thị Đền Lừ II, phường Tương Mai, Hà Nội
- Điện thoại: 034 430 8228
- Zalo: Công ty Luật TNHH Vũ Lê
- Facebook: Luật Vũ Lê