Doanh nghiệp cần làm gì sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký doanh nghiệp?

1. Khắc con dấu doanh nghiệp

Ngay sau khi thành lập, doanh nghiệp cần khắc con dấu để phục vụ cho việc ký kết và đóng dấu văn bản. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp được tự quyết định về hình thức, nội dung và số lượng con dấu. Việc thông báo mẫu dấu với cơ quan quản lý không còn bắt buộc, tuy nhiên doanh nghiệp nên lưu giữ thông tin mẫu dấu nội bộ để phục vụ công tác quản lý.

2. Treo bảng hiệu công ty

Để đáp ứng yêu cầu pháp lý, việc treo bảng hiệu công ty là bắt buộc sau khi nhận được giấy phép kinh doanh. Bảng hiệu cần chứa đựng đầy đủ thông tin cơ bản về doanh nghiệp và phải được treo tại trụ sở chính, các chi nhánh và văn phòng đại diện.

Trong trường hợp không tuân thủ, doanh nghiệp có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị khóa mã số thuế, theo quy định tại Điều 52 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

3. Mua chữ ký số

Chữ ký số, còn được gọi là chữ ký điện tử, được sử dụng cho việc kê khai và nộp thuế trực tuyến, khai báo hải quan điện tử, giao dịch ngân hàng và chứng khoán trực tuyến, sử dụng các dịch vụ cổng thông tin một cửa quốc gia, cũng như các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội, mà không cần sử dụng các phương tiện truyền thống như in ấn và đóng dấu của công ty. Mỗi doanh nghiệp có thể sở hữu nhiều chữ ký số, tuy nhiên, mỗi chữ ký chỉ được sử dụng cho một doanh nghiệp cụ thể.

4. Kê khai thuế ban đầu

Doanh nghiệp cần kê khai và nộp hồ sơ khai thuế ban đầu cho cơ quan thuế, bao gồm các loại thuế như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Hiện nay, các doanh nghiệp mới thành lập được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc sản xuất – kinh doanh theo Điều 3 Nghị định số 139/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP. Mức thuế môn bài mà doanh nghiệp phải đóng hàng năm tùy thuộc vào vốn điều lệ của công ty, cụ thể:

Vốn điều lệLệ phí môn bài phải đóng
Trên 10 tỷ đồng3 triệu đồng/năm
Từ 10 tỷ đồng trở xuống2 triệu đồng/năm

Thời hạn nộp tờ khai chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh (khoản 1 Điều 10 Nghị định 126/2020/NĐ-CP). Nếu trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30/01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.

5. Phát hành hoá đơn điện tử

Từ năm 2022, tất cả doanh nghiệp đều bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp cần lựa chọn nhà cung cấp phần mềm hóa đơn, ký hợp đồng và gửi hồ sơ đăng ký sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế. Sau khi được chấp thuận, doanh nghiệp mới có thể phát hành và sử dụng hóa đơn cho các giao dịch kinh doanh.

6. Mở tài khoản công ty và số tài khoản ngân hàng

Mỗi doanh nghiệp mới thành lập cần thiết lập ít nhất một tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch liên quan đến nộp thuế điện tử và tiện lợi trong quá trình làm việc với đối tác và khách hàng. Việc này giúp cơ quan thuế và các bên liên quan có thể xác minh và sử dụng thông tin tài chính chính thức của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần hoàn thành một số thủ tục quan trọng sau khi nhận giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, bao gồm:

  • Đăng ký giấy phép con, chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định và các yêu cầu khác đối với một số ngành nghề có điều kiện.
  • Thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và công đoàn trong vòng 20 ngày kể từ ngày doanh nghiệp chính thức hoạt động.

Trên đây là toàn bộ thủ tục cần phải làm sau khi đăng ký kinh doanh. Chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật thông tin này khi có thay đổi mới.

Quý khách tham khảo thêm các bài viết liên quan tại Mục Q&A trên website của chúng tôi. Trong trường hợp Quý khách có những thắc mắc và yêu cầu khác, vui lòng liên hệ Luật Vũ Lê: