Mức vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu?

I. Những loại vốn cần lưu ý khi thành lập doanh nghiệp

Khi thành lập doanh nghiệp, tùy theo loại hình và ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp có thể cần đáp ứng một hoặc nhiều loại vốn khác nhau theo quy định của pháp luật: (1) Vốn điều lệ, (2) Vốn pháp định và (3) Vốn ký quỹ.

1. 1. Vốn điều lệ

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản mà các thành viên và chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty hợp danh; là tổng giá trị của cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần (khoản 34, Điều 4 của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14)

Hiện nay, pháp luật không quy định cụ thể về số vốn điều lệ tối thiểu và/hoặc tối đa khi thành lập doanh nghiệp. Các thành viên phải hoàn thành nghĩa vụ góp vốn điều lệ trong thời hạn 90 ngày tính từ ngày được cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vốn điều lệ có thể được tăng hoặc giảm theo nhu cầu, nhưng phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong trường hợp các thành viên không góp đủ vốn điều lệ, công ty sẽ bị xử lý theo khoản 3 Điều 46 Nghị định 122/2021/NĐ-CP như sau:

  • Phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu không đảm bảo số lượng thành viên hoặc cổ đông theo quy định.
  • Phạt từ 20 triệu đến 30 triệu đồng nếu góp vốn không đúng hình thức pháp luật hoặc góp vốn khi không có quyền.
  • Phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng nếu không điều chỉnh vốn khi các thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn tối thiểu để thành lập doanh nghiệp và không ai cam kết góp thêm, hoặc cố ý định giá tài sản góp vốn sai lệch.
  • Phạt từ 50 triệu đến 100 triệu đồng nếu kinh doanh mà không đăng ký hoặc tiếp tục kinh doanh khi đã bị thu hồi giấy phép hoặc bị yêu cầu dừng hoạt động.
  • Trường hợp vi phạm pháp luật về thuế sẽ bị xử phạt theo quy định riêng.

1.2. Vốn pháp định

Vốn pháp định là số vốn tối thiểu mà pháp luật quy định doanh nghiệp phải có khi đăng ký thành lập. Khác với vốn điều lệ, vốn pháp định chỉ áp dụng trong một số lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định mà pháp luật có yêu cầu, nhằm đảm bảo doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để thực hiện hoạt động ổn định, an toàn, giảm thiểu rủi ro trong quá trình hoạt động kinh doanh. Tùy từng ngành nghề, mức vốn pháp định sẽ khác nhau, ví dụ như Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động trên địa bàn một xã, một thị trấn có mức vốn pháp định thấp nhất là 0,5 tỷ đồng hay một số ngành nghề khác có mức vốn pháp định lên đến 1000 tỷ đồng, 15 triệu đô la mỹ (USD)… được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

Việc không đáp ứng đủ vốn pháp định có thể dẫn đến việc không được cấp phép kinh doanh hoặc bị thu hồi giấy phép nếu vi phạm trong quá trình hoạt động. Do đó, đối với các ngành nghề có điều kiện, vốn pháp định không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là cam kết về năng lực tài chính và trách nhiệm của doanh nghiệp với khách hàng và các bên liên quan khác.

1.3. Vốn ký quỹ

Vốn ký quỹ là số tiền mà doanh nghiệp nộp vào tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng (không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn) đối với một số ngành nghề có điều kiện ký quỹ theo quy định của pháp luật. Số tiền này là biện pháp bảo đảm tài chính cho công ty trong các giao dịch với ngân hàng và các bên liên quan. Khoản tiền này không được sử dụng cho mục đích kinh doanh thường xuyên và chỉ được rút ra khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động hoặc có sự cho phép từ cơ quan quản lý.

Vốn ký quỹ được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật chuyên ngành và chỉ áp dụng đối với một số lĩnh vực như kinh doanh dịch vụ việc làm, lữ hành, dịch vụ bảo vệ, tạm nhập tái xuất hàng hóa có điều kiện,… Không giống như vốn điều lệ và vốn pháp định, vốn ký quỹ không được sử dụng vào hoạt động kinh doanh và không tính vào vốn điều lệ.

Việc tuân thủ quy định về vốn ký quỹ không chỉ là điều kiện cần để được cấp giấy phép kinh doanh trong ngành nghề tương ứng, mà còn là cơ sở pháp lý để xử lý các rủi ro, tranh chấp hoặc tổn thất phát sinh trong quá trình doanh nghiệp hoạt động. Trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng hoặc không duy trì đầy đủ mức ký quỹ theo quy định, cơ quan quản lý nhà nước có thể từ chối cấp phép hoặc thu hồi giấy phép đã cấp.

II. Phương thức góp vốn khi thành lập doanh nghiệp

2.1. Đối với vốn điều lệ và vốn pháp định:

Nhà đầu tư có thể thực hiện góp vốn điều lệ và vốn pháp định bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, các tài sản khác.

  • Cá nhân được thực hiện góp vốn bằng tiền mặt hoặc thông qua phương thức chuyển khoản. Trong trường hợp tổ chức (pháp nhân) góp vốn vào doanh nghiệp khác, quy định tại Điều 6 Nghị định số 222/2013/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC bắt buộc việc thanh toán phải thực hiện không dùng tiền mặt, tức là phải thông qua chuyển khoản ngân hàng, séc hoặc hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác.
  • Trong bối cảnh có yếu tố đầu tư nước ngoài, phương thức góp vốn cần tuân thủ thêm các quy định về quản lý ngoại hối. Việc góp vốn phải đảm bảo minh bạch, hợp pháp và phù hợp với tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong từng lĩnh vực cụ thể.
  • Việc góp vốn bằng tài sản (vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, các tài sản khác) phải được định giá và hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Trong mọi trường hợp, việc góp vốn phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn nhằm bảo đảm tính pháp lý và ổn định trong hoạt động của doanh nghiệp.

2.2. Đối với vốn ký quỹ:

Phương thức góp vốn được thực hiện bằng cách chuyển khoản một khoản tiền nhất định vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng. Mục đích của vốn ký quỹ là bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong các trường hợp phát sinh tranh chấp, rủi ro hoặc vi phạm nghĩa vụ với khách hàng và người lao động. Việc ký quỹ phải được thực hiện trước khi xin cấp giấy phép con và phải duy trì trong suốt thời gian doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề đó.

Tóm lại, pháp luật Việt Nam không đặt ra một mức vốn tối thiểu chung cho mọi doanh nghiệp khi thành lập, mà yêu cầu vốn khác nhau tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh cụ thể. Vốn điều lệ là loại vốn mang tính bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp khi thành lập, nhưng mang tính tự nguyện về định lượng, do pháp luật không ấn định mức tối thiểu hay tối đa. Trong khi đó, vốn pháp định và vốn ký quỹ chỉ áp dụng đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng đúng, đủ mức vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Việc phân biệt rõ các loại vốn này không chỉ có ý nghĩa trong việc chuẩn bị tài chính ban đầu, mà còn là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính hợp pháp và khả năng vận hành liên tục của doanh nghiệp ngay từ thời điểm gia nhập thị trường.

Quý khách tham khảo thêm các bài viết liên quan tại Mục Q&A trên website của chúng tôi. Trong trường hợp Quý khách có những thắc mắc và yêu cầu khác, vui lòng liên hệ Luật Vũ Lê: