- Nếu người được hưởng di sản chết trước người để lại di sản thì ai là người được nhận thừa kế
Di sản thừa kế là tài sản của người chết (người để lại di sản thừa kế) để lại cho người khác sau khi người để lại di sản chết. Di sản thừa kế bao gồm: Tài sản riêng của người chết; Phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, không thiếu những trường hợp mà người được hưởng di sản chết trước người để lại di sản, điển hình là tình huống con cái qua đời trước bố mẹ mình – “người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh”. Khi các tình huống thuộc trường hợp này xảy ra, người chết trước đương nhiên không thể nhận di sản vì “người thừa kế là cá nhân phải là người sống vào thời điểm mở thừa kế”, người được hưởng phần di sản đó sẽ được xác định phụ thuộc vào việc người để lại di sản có lập di chúc hay không lập di chúc, nếu lập di chúc thì di chúc có hiệu lực pháp luật hay không hoặc di chúc vô hiệu.

(sưu tầm)
- Trường hợp người để lại di sản có để lại di chúc thì ai sẽ là người được hưởng thừa kế
Đối với tình huống người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc thì di chúc đó sẽ thuộc vào trường hợp di chúc không có hiệu lực một phần hoặc toàn bộ, được quy định cụ thể tại Điều 643 Bộ luật Dân sự 2015. Theo quy định này, khi người thừa kế chết trước người để lại di chúc, thì di chúc sẽ không có hiệu lực một phần trong trường hợp nhiều người thừa kế; hoặc không có hiệu lực toàn bộ toàn bộ, trong trường hợp chỉ có 1 người thừa kế.
Đối với di chúc không có hiệu lực một phần trong trường hợp có nhiều người được thừa kế theo di chúc mà có một người chết trước người lập di chúc thì phần di chúc liên quan đến người chết trước đó không có hiệu lực. Phần di chúc cho những người khác được hưởng trong di chúc vẫn có hiệu lực. Lúc đó, phần di sản của người đã mất sẽ không được chia theo di chúc mà được chia thừa kế theo pháp luật với căn cứ tại Điểm c, Khoản 2 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015: Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng với phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.
Khi phần di chúc được chia theo pháp luật thì sẽ xác định người thừa kế theo pháp luật được quy định tại điều 651, Bộ luật dân sự năm 2015. Phần di sản không có hiệu lực pháp luật được chia cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (của người để lại di sản thừa kế) và người thừa kế thế vị của người đã chết trước.
Đối với di chúc không có hiệu lực toàn bộ trong trường hợp có duy nhất một người được thừa kế theo di chúc mà người đó chết trước thì di sản cũng được chia thừa kế theo pháp luật theo căn cứ tại Điểm c, Khoản 1, Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015: “Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
- Trường hợp người để lại di sản không có di chúc thì giải quyết như thế nào
Người có tài sản chết mà trước khi chết không lập di chúc thì tài sản do người chết để lại sẽ được phân chia theo pháp luật. Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì những người được hưởng thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng thì được hưởng phần di sản bằng nhau và những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Nếu người chết trước là con của người để lại di sản không có di chúc cháu (con của người chết trước) sẽ được hưởng thừa kế thế vị. Điều 652 Bộ Luật dân sự quy định về thừa kế thế vị như sau: “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”. Thừa kế thế vị là việc con thay thế vị trí của bố hoặc mẹ để nhận thừa kế di sản từ ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, hoặc cụ nội, cụ ngoại, nếu bố hoặc mẹ chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với những người nói trên.
Quý khách tham khảo thêm các bài viết liên quan về chủ đề “Thừa kế” cũng như các vấn đề pháp lý khác tại Mục Q&A trên website của chúng tôi. Trong trường hợp Quý khách có những thắc mắc và yêu cầu khác, vui lòng liên hệ Luật Vũ Lê:
- Địa chỉ: Tầng 2 số 11 Lô 6 Khu đô thị Đền Lừ II, phường Tương Mai, Hà Nội
- Điện thoại: 034 430 8228
- Zalo: Công ty Luật TNHH Vũ Lê
- Facebook: Luật Vũ Lê